Trong nhiều cuộc đi chơi cùng các lớp, chuyến đi Campuchia với lớp CEO-Giám đốc Điều hành khóa 105 để lại nhiều ấn tượng sâu sắc nhất với tôi. Lớp học này có Gia Minh - người anh em yêu quý, dù gặp nhau rất ít. Anh chàng này giống tôi là thích rong chơi, chơi để làm việc cho hăng say, làm để đi chơi cho thoả chí tang bồng.

Một ngày như bao ngày, Minh alo: “Đi chơi Campuchia, em đặt vé cho anh đi cùng với  lớp”. Tôi hỏi lại đúng một câu: “có đi Siem Reap không? Đấy là điều kiện duy nhất cho cuộc đi vì Siem Reap là cửa ngõ vào quần thể Angkor. Và cũng vì tới Siem Reap là ta sẽ tới được Tonle Sap (Biển Hồ Campuchia)

Bao nhiêu địa danh kỳ thú đang chờ ta! Và quả không uổng phí, tới giờ ngồi nghĩ lại tôi vẫn chỉ muốn một ngày được trở lại.

Từ  Phnom Penh đi Siem Reap phải mất 6 giờ di chuyển bằng xe bus.

Không nói về sự tàn phá của bọn diệt chủng Polpot ở đây, Siem Reap đã đi qua lịch sử đau thương để trở thành một thành phố xanh, là điểm đến của thế giới, được xếp hạng rất cao trong ranking của những trang đánh giá du lịch uy tín của thế giới.

Thành phố này nhỏ song đầy đủ các quán bar, nhà hàng, có nhiều sân khấu biểu diễn điệu múa cổ Apsara nổi tiếng. Do ảnh hưởng sâu đậm của người Pháp, các kiến trúc đường phố ở đây vẫn mang nét Viễn Đông thời Pháp thuộc. Phần lớn các quán bar và quán rượu ở Siem Reap tập trung trên một dãy phố gọi là Pub Street, những con hẻm xung quanh. Mặc dù yên bình trong ngày, các đường phố trong khu Pub Street, chỉ cách khối Psah Chas lịch sử (chợ Cũ) một đoạn đi bộ, trở nên sống động về đêm với ánh sáng và âm nhạc. Khách du lịch, cả trong và ngoài nước khi tới đây không thể không vào các quán bar và club, tận hưởng các tiết mục biểu diễn cùng không khí sôi động nơi đây vào ban đêm.

Tonle Sap cách Siem Reap 30 phút chạy xe. Đây là hồ nước ngọt lớn nhất Đông Nam Á, được công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới. Tonle Sap gọi theo tiếng Việt là Biển Hồ, nhằm chỉ tầm vóc rộng lớn của hồ nước, đi mãi không thấy bến bờ.

Quanh hồ tập trung nhiều cộng đồng người Việt và người Chăm (hầu hết có nguyên quán từ Đồng Bằng sông Cửu Long), sinh sống trên các làng nổi trên hồ. Một số tài liệu ghi nhận, thời Pháp đô hộ Đông Dương, họ đã đưa người Việt sang đây trồng cao su, thời gian sau họ di cư và sống tập trung ở vùng này.

Theo Hội Việt kiều Campuchia, Biển Hồ hiện có trên 1500 hộ dân gốc Việt đang sinh sống tại các làng nổi trên hồ. Họ không có “hộ khẩu”, nước lên nhà lên- nước xuống nhà xuống- sống bấp bênh theo dòng, triều con nước Tonle Sap.

 

Biển Hồ - Vùng đất không dành chỗ cho lòng kiêu hãnh

 

Cuộc sống nổi trôi theo con nước của người dân vùng Biển Hồ

 

Đoàn tôi đi Siem Reap vào tháng 7, mùa nước nổi, thuyền chạy 30 phút thôi đã không nhìn thấy bờ bến là đâu. Mùa lũ về nước từ sông Mekong đổ vào, làm hồ lớn này ngập sâu đến gần 10 mét, là nơi sinh sản lý tưởng của các giống thủy sản nước ngọt.

Cuộc sống của người dân Việt ở đây có nhiều cái không: Không giấy tờ tuỳ thân, không quốc tịch, không có trạm y tế... và không có nước sạch để dùng (mặc dù sống trên Biển Hồ rộng lớn). Họ sinh sống phụ thuộc vào nghề đánh bắt cá tôm, nhưng một năm chỉ được đánh bắt 6 tháng, 6 tháng còn lại do luật bảo vệ thủy sản cấm khai thác, nên phải ngồi không, thêm một cái không nữa: Không kế sinh nhai.

Do không có giấy tờ tùy thân nên cư dân người Việt trên Biển Hồ thường sống dựa vào khách du khách vãng lai, cảnh chèo kéo xin khách trên những thuyền du lịch đã trở nên quen thuộc ở đây. Và cũng thật kỳ lạ, tuy cuộc sống khó khăn thiếu thốn như thế nhưng nhà nào cũng 4,5 đứa con. Ăn uống còn không đủ nên thất học là việc đương nhiên.

Mười mấy năm trước có ông Trần Văn Tư (ông Bốn) quê tỉnh Tây Ninh, làm nghề buôn muối, nhìn cảnh nheo nhóc nghèo khó đeo bám bà con, sau này bỏ nghề và mở lớp học dạy miễn phí cho những đứa trẻ biết được con chữ của tổ tiên mình. Dân lúc đầu hoài nghi, nên ông phải dụ, đứa trẻ nào đi học, ông cho ăn sáng. Dần dần lớp học đông lên, ông Bốn xin thêm tiền tài trợ, chính thức mở Trung tâm giáo dục từ thiện cho trẻ em nghèo Biển Hồ vào năm 1997.

Từ hôm sang Phom Penh cho tới lúc về Siem Reap, tôi thấy Gia Minh với các anh chị em khác gom lại thuốc đánh răng, bàn chải, dầu gội không dùng trong khách sạn, cho vào cái túi chung. Mãi khi đến đây mới hiểu: Là các bạn gom lại tất cả mọi thứ cần cho cuộc sống cơ bản để dành cho bà con ở đây.

 

Biển Hồ - Vùng đất không dành chỗ cho lòng kiêu hãnh

 

Những đứa trẻ đã được đến trường học chữ dù con đường sinh nhai sau này vẫn mờ mịt

 

Lúc chúng tôi tới, cả “trường” có 5 lớp, gần 300 học sinh, mỗi ngày các cháu ngồi trong thùng xô, mủng, bất kể cái gì có thể nổi được, chèo bằng tay tới “trường” tìm con chữ, dẫu cho con đường sinh kế sau này vẫn mịt mờ. Sống ở Biển Hồ, rộng lớn và mênh mông biệt lập với đất liền, cộng đồng nơi đây cũng tách biệt với phần còn lại của cuộc sống ở Siem Raep, chỉ có đói nghèo đeo bám.

Nơi này không có dành chỗ cho lòng kiêu hãnh!

Nguyễn Hoàng Phương