Diễn biến phức tạp của COVID-19 đã buộc phần lớn các doanh nghiệp phải đẩy nhanh hoặc triển khai các giải pháp chuyển đổi số. Trong bối cảnh đó, việc nhận thức và chủ động tiếp cận với chính sách và hành lang pháp lý có liên quan là vấn đề doanh nghiệp cần đặc biệt quan tâm.

 

Trong 4 tháng đầu năm, kinh tế trong nước tiếp tục cho thấy dấu hiệu phục hồi đúng hướng trong bối cảnh các chỉ số vĩ mô đều ghi nhận diễn biến tích cực. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan,tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2021 đã đạt tới con số cao kỷ lục 104,9 tỷ USD, tăng 29,6% so với cùng kỳ năm trước; kim ngạch nhập khẩu đạt 103,3 tỷ USD, tăng tới 31,8%.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp trên toàn cầu, kết quả này có được nhờ sự hỗ trợ quan trọng của các FTA mà Việt Nam tham gia đã có hiệu lực, cộng với các chính sách và biện pháp điều hành hiệu quả của chính phủ cũng như những nỗ lực của doanh nghiệp.

Măc dù vậy, xu hướng bùng phát làn sóng lây nhiễm thứ 4 tại Việt Nam vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ và rủi ro, đòi hỏi các doanh nghiệp cần nhanh chóng nắm bắt những chủ trương, chính sách hỗ trợ về mặt pháp lý của các cơ quan quản lý, từ đó đẩy nhanh bước tiến chuyển đổi số để hạn chế một phần những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

 

Cuộc cách mạng thanh toán trực tuyến

Thanh toán trực tuyến đang được sử dụng ngày càng phổ biến trên nền tảng điện thoại thông minh (thay thế thanh toán bằng tiền mặt và thẻ quẹt nhập mã PIN). Giao dịch thương mại trực tuyến tăng theo cấp số nhân đối với cả B2C và B2B trong đại dịch COVID-19.

Một số quy định đã được đặt ra để thúc đẩy quá trình thanh toán không dùng tiền mặt, có thể kể đến như Điểm b, Khoản 1, Điều 9 trong Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp:

“… Đối với hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ từng lần có giá trị từ hai mươi triệu đồng trở lên phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt, trừ các trường hợp không bắt buộc phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt theo quy định của pháp luật”.

Sự gia tăng các giao dịch điện tử trong kinh doanh cũng đã thúc đẩy các hệ thống nhận dạng điện tử, chẳng hạn như việc sử dụng chữ ký điện tử, chứng chỉ điện tử hoặc con dấu và hệ thống xác minh của bên thứ ba. Nhiều công ty đã ngừng chấp nhận hóa đơn vật lý và chỉ yêu cầu hóa đơn điện tử, nhiều quy trình thủ công đã được chuyển đổi sang kỹ thuật số.

 

 

Mức độ sẵn sàng kỹ năng số

Những năm qua, Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin vào phát triển kinh tế - xã hội, có thể kể đến như: Nghị quyết 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Đề án 844 & 1665 giúp phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp kỹ thuật số và công nghệ; Quyết định số 127/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Ban hành Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng Trí tuệ nhân tạo đến năm 2030…

Tuy nhiên, theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (World Bank), mặc dù việc truy cập Internet rất phổ biến ở Việt Nam, nhưng đa số doanh nghiệp có chỉ số sẵn sàng chuyển đổi số thấp và chưa nắm bắt đầy đủ các chính sách công hỗ trợ công nghệ nâng cấp hiện có. Chỉ 10% tổng số doanh nghiệp lớn có nhận thức và hưởng lợi từ chính sách, trong khi chỉ 3.7% tổng số doanh nghiệp vừa và nhỏ nhận thức và tiếp cận được các chính sách này.

Tỷ lệ các doanh nghiệp có trang web, mạng xã hội và điện toán đám mây riêng vẫn còn nhỏ. Đòi hỏi số hóa trong giai đoạn Covid-19 cộng thêm sự thiếu sẵn sàng chuyển đổi sốcó thể dẫn đến việc suy giảm 50% doanh thu trung bình của các doanh nghiệp.

Tất cả những thách thức này đòi hỏi doanh nghiệp cần chủ động tìm và tiếp cận với những chính sách hỗ trợ của nhà nước, tập trung đổi mới mạnh mẽ hơn nữa để thúc đẩy việc chuyển đổi số, sẵn sàng thích ứng với đại dịch Covid-19.

 

Vấn đề mới về người lao động

Các doanh nghiệp có nghĩa vụ duy trì một nơi làm việc an toàn và cơ chế giảm thiểu rủi ro lan truyền COVID-19.

Để thích nghi, các doanh nghiệp đã bằng nhiều cách sắp xếp cho nhân viên làm việc tại nhà (tối đa nhất có thể), và điều này đang dần trở thành một phần của “trạng thái bình thường mới”. Các giải pháp công nghệ hỗ trợ làm việc nhóm, tổ chức các cuộc họp ảo và nhiều dịch vụ khác đang dần phát triển.

Về mặt pháp lý, người sử dụng lao động nói chung không có quyền hạn chế việc đi lại cá nhân của nhân viên, nhưng vẫn có thể đề ra quy định yêu cầu nhân viên phải tự cách ly khi họ trở về từ các khu vực, địa phương xảy ra dịch bệnh. Bên cạnh đó, việc đi công tác của nhân viên được hạn chế một cách tối đa nhất có thể.

Để đảm bảo quyền và lợi ích cho người lao động trong trường hợp làm việc tại nhà, mọi nội dung thay đổi về địa điểm làm việc, cách thức lao động cần được quy định rõ trong các hợp đồng và thỏa thuận lao động mới giữa người sử dụng lao động và người lao động.

 

Phần kết luận

Trên đây là một số góc nhìnvề kinh tế và pháp lý cần xem xét trong quá trình thúc đẩy chuyển đổi số tại các tổ chức và doanh nghiệp. Mặc dù Chính phủ Việt Nam cũng như tỉnh, thành phố đã triển khai nhiều biện pháp và chính sách khác nhau để hỗ trợ doanh nghiệp, nhưng điều quan trọng nhất, các doanh nghiệp không nên chờ đợi mà cần chủ động, quyết tâm và thực hiện liên tục đổi mới sáng tạo để nhanh chóng thích ứng và đối mặt với những thách thức khó đoán lường từ đại dịch COVID-19.