
Dù đứng trước sức ép của đợt dịch COVID-19 lần thứ 4, nền kinh tế Việt Nam vẫn đang thể hiện khả năng phục hồi mạnh, kéo theo nhu cầu về hàng hóa, dịch vụ tăng cao. Ngành hàng thức uống đang đứng trước những cơ hội và thách thức mới.
Đợt bùng phát dịch bệnh lần thứ 4 tại Việt Nam kéo theo việc hạn chế đi lại và tụ tập, đóng cửa các cửa hàng ăn uống, dịch vụ. Điều đó dẫn đến doanh thu các ngành hàng như thức uống có chiều hướng giảm sút. Ngược lại, một số doanh nghiệp liên quan đến đồ uống sức khỏe lại được lợi khi xu hướng người tiêu dùng gen Y và gen Z ngày càng quan tâm đến chế độ thức uống lành mạnh.
Thời điểm này là cơ hội tốt để các doanh nghiệp đồ uống tận dụng những chính sách hỗ trợ thiết thực của chính phủ, đưa ra các giải pháp mới (đặc biệt với kênh bán online) và lên kế hoạch chiến lược cho các mục tiêu tăng trưởng dài hạn để cạnh tranh hiệu quả.
Thách thức và cơ hội - Xu hướng đồ uống sức khỏe lên cao
Vừa qua, Công ty Cổ phần Nước giải khát Sanest Khánh Hòa đã công bố sụt giảm 12.69% doanh thu trong năm 2020 so với cùng kỳ năm trước. Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco) cũng trình Đại hội cổ đông thông qua mục tiêu doanh thu, lợi nhuận ở mức thấp nhất trong 10 năm gần đây, mặc dù trong 3 tháng đầu năm doanh nghiệp ghi nhận mức lãi ròng 47.6 tỷ đồng. Nhiều công ty bia niêm yết ở Việt Nam đều ghi nhận kết quả kinh doanh bị ảnh hưởng bởi tác động từ đại dịch.
Theo quyết định số 3690/QĐ-BCT ngày 12/09.2016 của Bộ Công Thương “Phê duyệt quy hoạch phát triển ngành bia, rượu, nước giải khát Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035”, phần định hướng phát triển nêu rõ: khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất bia không cồn, sản xuất rượu thủ công/ làng nghề và các loại nước hoa quả, nước giải khát có tính bổ dưỡng. Điều này cho thấy Nhà nước đã có tầm nhìn xa về xu hướng phát triển đồ uống toàn cầu: người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến các sản phẩm sức khỏe và lành mạnh.
Để duy trì thị phần và chiến lược tăng trưởng dài hạn, các doanh nghiệp sản xuất đồ uống (đặc biệt là bia rượu) cần đẩy mạnh tái cấu trúc chi phí, và có kế hoạch điều chỉnh sao cho phù hợp với xu hướng mới của thị trường: ưu tiên các sản phẩm không hoặc ít ảnh hưởng sức khỏe. Cải tiến một sản phẩm bia mới không cồn hay điều chỉnh độ cồn và khẩu vị phù hợp cho những bữa tiệc gói gọn trong gia đình nhỏ là những ý tưởng đáng được lưu tâm.
Trái ngược với các sản phẩm bia rượu, theo Research and Markets, bất chấp những tác động xấu do đại dịch Covid-19 mang lại, thị trường nước uống tăng lực năm 2020 vẫn tiếp tục tăng trưởng, báo cáo cuối năm cho thấy doanh thu đạt được là 57.4 tỷ đô, tăng trưởng 4.3 % so với năm trước đó. Thức uống này được thế hệ Y và Z ưa chuộng bởi tiêu chí sức khỏe khi chọn lựa đồ uống đang được đặt lên hàng đầu.
Nhằm đón đầu xu hướng, các ông lớn ngành đồ uống nhanh chóng triển khai nhiều động thái “mạnh bạo”. Nằm 2020, Rockstar được PepsiCo mua lại với giá 3.85 tỷ đô. Hãng Crave lần lượt ra mắt các dòng sản phẩm nước tăng lực hữu cơ mới sở hữu hương vị cocktail hấp dẫn. 7-Eleven cũng kịp cho ra mắt dòng nước uống tăng lực không đường mới với tên gọi Triton. Đây được coi là những bước đi đón đầu thời đại của những đại gia đầu ngành. Nhiều chuyên gia dự đoán, thị trường Energy drinks sẽ tiếp tục có những bước tăng trưởng mạnh mẽ hơn ngay cả sau giai đoạn hậu Covid-19.
Nỗ lực chuyển đổi số và phát triển kênh thương mại điện tử
Chuyển đổi số và phát triển các kênh bán hàng online, kênh thương mại điện tử là vấn đề các doanh nghiệp bia – rượu – nước giải khátngày càng chú trọng.
Mặc dù thị trường FMCG giảm nhẹ trong quý đầu năm, các kênh mua sắm mới nổi vẫn duy trì mức tăng trưởng dương, đặc biệt là kênh online khi vượt xa các mô hình bán lẻ quen thuộc khác. Khoảng cách giữa doanh thu bán lẻ online và offline đang dần được thu hẹp trong bối cảnh Nhà nước đang dần đẩy mạnh Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia và nhằm đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt.
Bà Louise Hawley, Tổng Giám đốc Nielsen Việt Nam chia sẻ: “Trong thời gian tới, một số hành vi của người tiêu dùng học được trong thời kỳ dịch bệnh sẽ tiếp tục như là ăn tại nhà thường xuyên hơn so với thời kỳ trước dịch và sử dụng eCommerce để thỏa mãn nhu cầu mua sắm nhiều hơn trong tương lai.”
Năm 2020, doanh thu và lợi nhuận sau thuế của Sabeco đạt lần lượt 27.961 tỷ đồng và 4.937 tỷ đồng, kể cả khi đối mặt với tác động kép từ Nghị định 100 và đại dịch Covid-19. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, kênh phân phối mua về nhà là động lực chính cho tăng trưởng của Sabeco trong năm 2020. Để chiếm thị phần tại kênh phân phối này, thương hiệu đã tung ra sản phẩm mới là bia Lạc Việt theo công thức của các nghệ nhân Việt, chủ trương cải thiện kênh thương mại hiện đại và phát triển kênh thương mại điện tử riêng.
Trong một thông cáo gần nhất, Pepsi đã triển khai ra mắt Pep’s Place, một nhà hàng ảo cho phép người tiêu dùng chọn đồ uống yêu thích, sau đó mới gợi ý những món ăn đi kèm phù hợp để mua sắm online. Nhà hàng ảo và bếp ma (ghost kitchens) đang mang lại những trải nghiệm độc đáo mới mẻ cho khách hàng. Nỗ lực này đã và đang mang đến cho Pepsi nhiều hiệu ứng và phản hồi tích cực từ người dùng.
Là một trong số các doanh nghiệp dẫn đầu xu hướng phát triển thương mại điện tử,Vinamilk mới đây đã công bố hệ thống “Giấc Mơ Sữa Việt” chính thức vượt mốc 500 cửa hàng trên cả nước với trang thương mại điện tử song hành giacmosuaviet.com.vn được Vinamilk xây dựng từ 2016. Trang web này đang phát huy đặc biệt hiệu quả, nhất là trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19 đang thúc đẩy mạnh mẽ hành vi mua sắm online của người tiêu dùng.
Bên cạnh quyết tâm chuyển đổi số đến từ doanh nghiệp, những kết quả trong phát triển Chính phủ điện tử cùng các chính sách thúc đẩy chuyển đổi số của từng địa phương, cũng như hàng loạt gói kích thích kinh tế và chính sách tiền tệ đã đóng góp một phần quan trọng trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển kênh bán hàng online trong đại dịch Covid-19.
Nhiều chuyên gia nhận định: Nắm bắt chính sách, tái cấu trúc chi phí và kênh bán hàng, tìm kiếm những chiến lược sản phẩm thích ứng thị trường sẽ là chìa khóa mở ra cục diện mới cho các doanh nghiệp phát triển đồ uống trong thời gian sắp đến.