Khi văn hóa tri thức được định hình, các mục tiêu, lộ trình và chiến lược dài hạn sẽ ngày càng trở nên sáng tỏ.
Trong quá trình giảng dạy và hoạt động tư vấn, tôi có cơ hội đồng hành cùng Công ty Cổ phần Sao Việt Nam (VNSTAR) từ những năm 2012. Lúc bấy giờ, có một câu hỏi chung trong dãy suy nghĩ của ban lãnh đạo VNSTAR: Vì sao những công ty của Nhật thường có sản phẩm tốt, nền tảng ổn định và năng lực cạnh tranh cao hơn hẳn so với những công ty ở các quốc gia khác?
Lật giở và nghiên cứu nhiều tư liệu, trong đó có giáo trình tư vấn “Contemporary Asia- Châu Á Đương Đại”, tôi phát hiện một khái niệm được gọi là Xoắn Ốc Tri Thức. Nó chỉ ra: Những công ty của Nhật thành công bởi khả năng quản lý được tri thức và sáng tạo tri thức ở cấp độ tổ chức.
VNSTAR, ngay từ thời gian “vàng” trong quá trình phát triển (5 năm đầu tiên), đã quyết định: Mấu chốt để giải quyết mọi vấn đề chính là sự đổi mới và xây dựng thương hiệu mạnh dựa trên trụ cột văn hoá tri thức trong doanh nghiệp.
Văn hoá tri thức có 2 dạng biểu hiện: ẩn dụ và hiển thị. Tri thức ẩn dụ (hay tiềm ẩn) là giá trị cốt lõi, cảm xúc, trực giác, những cảm nhận về chiều sâu tâm hồn doanh nghiệp. Tri thức hiển thị dễ hiểu hơn, là sự biểu đạt thương hiệu thông qua màu cờ sắc áo, không gian thương hiệu, cách thức giao tiếp ứng xử vớinội bộ và với bên ngoài.
Sự kiến tạo và định hình văn hoá tri thức đã được bắt đầu từ việc xây dựng hệ giá trị cốt lõi, mục tiêu của tổ chức, các khung hướng dẫn cơ bản để định hình phong cách của tổ chức sau này.
Để được gọi là một tổ chức bài bản có thể đi đường dài, nhất thiết phải làm rõ được mục tiêu. Đó chính là hoạch định chiến lược nhằm phát triển khả năng tiếp thu, sáng tạo, sử dụng tri thức. Việc này được VNSTAR vận dụng linh hoạt, cho phép các cá nhân (trong đó có người viết) có đủ quyền hạn để đưa ra các ý tưởng mới. Điều đó đã tạo điều kiện nảy nở những cơ hội bất ngờ và tạo động lực thúc đẩy công ty phát triển mạnh mẽ.
Sau khi định hình hệ thống Tầm nhìn- Mục tiêu- Chiến lược khung, VNSTAR bắt đầu quá trình sáng tạo.Với một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất với sản phẩm đặc thù là sơn trên gỗ và sơn trên kim loại, việc sáng tạo trở nên “khó nhằn” hơn so với doanh nghiệp thuần túy làm dịch vụ và thương mại. Do tính chất, đặc điểm và điều kiện của ngành, các chi phí để đổi mới sáng tạo một sản phẩm của VNSTAR luôn cao hơn mức bình thường.
Để tiết kiệm thời gian và nguồn lực, VNSTAR chọn lựa phong cách quản lý “từ giữa”, tức là lãnh đạo cấp cao định vị phương hướng của tổ chức, nhân sự chuyên viên vững vàng tuyến đầu, còn cấp quản lý ở giữa là trung tâm của quá trình chuyển đổi. Cả ba tuyến đều sở hữu những hạt nhân nòng cốt, đóng vai trò là “người thay đổi”. Đó là những cá nhân có khả năng lĩnh hội và tổng hợp tri thức sáng tạo, vận dụng cho toàn đội nhóm của mình.
Ông Nguyễn Văn Chung - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sao Việt Nam luôn chú trọng và đề cao mô hình Văn Hoá Doanh Nghiệp Trí Thức
Bên cạnh mô hình tác chiến ba tuyến, VNSTAR có một cơ cấu đặc biệt được gọi là “đội đặc nhiệm”. Ngay khi cần thiết, VNSTARsẽ thành lập nhanh những ban có khả năng hoạt động mạnh và tự động giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ. Ban này có thể huy động nguồn lực về con người, tài chính, công nghệ để đảm nhận một “dự án” đặc biệt, phù hợp với lộ trình đường hướng mà công ty đã quyết định và đề ra.
Chỉ còn vài ngày nữa, VNSTAR sẽ kỷ niệm tròn 12 năm trưởng thành và phát triển (22/06/2009 - 22/6/2021). Nhìn lại một lộ trình tổng thể, có thể thấy bên cạnh những bước tiến lớn về thị phần và doanh thu, có một điều người của VNSTAR luôn tự hào, đó chính là miền tinh thần vàvăn hoá doanh nghiệp.
Xoắn Ốc Tri Thức đã được những cá nhân của VNSTAR thực hiện với đầy đủ ý thức về bổn phận và sứ mệnh qua hơn một thập kỷ, để rồi văn hóa doanh nghiệp không chỉ là công cụ, mà thực sự đã trở thành một khái niệm mà khách hàng và thị trường đã công nhận và lan tỏa rộng khắp.
Nguyễn Hoàng Phương